Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Mỏ đá ‘bức tử’ chùa Châu Thới

(TNO) - Cảnh quan chùa núi Châu Thới (Châu Thới sơn tự, TX.Dĩ An, Bình Dương) - di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi hoạt động khai thác đá.

< Mỏ đá Tân Đông Hiệp nhìn từ chùa Châu Thới.

Đến chùa Châu Thới vào lúc này chúng tôi thấy ngỡ ngàng, xót xa vì môi trường tự nhiên biến đổi quá nhanh.
Con đường duy nhất vào chùa đồng thời cũng là đường vào các mỏ khai thác, chế biến đá dài khoảng 700 m gập ghềnh, nhơ nhớp. Mỗi khi có một cơn gió hoặc một chiếc ô tô đi qua thì toàn bộ khu vực chìm trong màn bụi. Người dân cho biết mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe ben chở đá đi qua con đường độc nhất này. Trao đổi với PV Thanh Niên, một vị sư trong chùa cho biết việc khai thác đá quanh chùa từ nhiều năm nay đã khiến diện tích chùa bị thu hẹp lại.

< Hồ núi Châu Thới cũng từ khai thác đá.

Xung quanh chùa Châu Thới hiện có ít nhất 2 mỏ đá đang khai thác, hoạt động liên tục, ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại bình thường của khách hành hương. Sát cổng chùa là mỏ khai thác đá của Công ty CP Đá Núi Nhỏ, bên cạnh đó là bãi tập kết đá, bãi xay xát, chế biến đá của công ty này án ngữ ngay cổng chùa. Ở chân núi, nơi ngôi chùa tọa lạc, có những cái hồ rất sâu do một thời gian dài khai thác đá và một phần của ngọn núi đã bị nổ mìn lấy đá.

Trò chuyện với PV, một nhà sư mong mỏi: “Xin đừng làm ảnh hưởng đến chốn tôn nghiêm, đừng làm hư hại đường vào chùa”. Trong khi đó, trả lời câu hỏi của PV, đại đức Thích Thiện Minh - trụ trì chùa Châu Thới nói: “Việc kinh doanh làm ăn, khai thác đá ở đây là của các doanh nghiệp nên nhà chùa không quan tâm. Còn việc bụi bẩn, tiếng ồn thì chúng tôi ở đây riết rồi cũng phải quen”. PV liên hệ với Công ty CP Đá Núi Nhỏ để làm rõ vấn đề nhưng không được hồi đáp.

Trao đổi với PV, ông Võ Anh Tuấn - Chánh văn phòng UBND TX.Dĩ An, cho biết hiện ở khu vực núi Châu Thới có 2 mỏ đá đang hoạt động khai thác là mỏ đá Tân Đông Hiệp và mỏ đá Núi Nhỏ. Việc quản lý khai thác các mỏ đá này của UBND tỉnh Bình Dương. Ông Tuấn nói: “Vừa qua, Bộ TN-MT đã khảo sát và cho rằng chất lượng đá ở các mỏ này rất tốt để phục vụ cho xây dựng nên đồng ý cho khai thác tiếp. Do đó, UBND tỉnh tiếp tục gia hạn cho khai thác 2 mỏ đá này đến năm 2015”. Theo những người dân sinh sống ở gần mỏ, hiện cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bụi bẩn, tiếng ồn từ việc khai thác, chuyên chở đá.

Chùa núi Châu Thới là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của đất Gia Định được giữ gìn, tôn tạo và phát triển cho đến ngày nay. Tương truyền, chùa được xây dựng từ năm 1662 trên nền cũ của một thảo am ở độ cao 82 m với tên gọi ban đầu là Hội Sơn tự. Điểm nhấn của chùa là tượng Phật Quan thế âm Bồ Tát ngự trên đài hoa sen lộ thiên cao 22,5 m, nặng 100 tấn, tay cầm dương liễu vẩy nước cam lồ trong bình thanh tịnh.

Khu đất ở chùa được xếp là di tích khảo cổ học (thuộc thời kỳ kim khí). Toàn bộ ngôi chùa mang nét kiến trúc đặc trưng của phương Đông, nóc lợp ngói chồng lên nhau theo hình rồng phụng, mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách thập phương hành hương đến lễ chùa. Năm 1989 chùa núi Châu Thới được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.

Theo Đỗ Trường - Huy Anh (Báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...